Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ai? Lịch sử cuộc đời của Ngài

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một biểu tượng được hàng triệu tín đồ Phật giáo kính mến. Liệu bạn có hiểu rõ về lịch sử cuộc đời của Ngài, Đấng đã giác ngộ và chỉ dạy con đường giải thoát khổ đau cho nhân loại? Hãy cùng Hải Vi Seo khám phá hành trình tìm đạo và thành đạt giác ngộ cao quý của Đức Phật qua bài viết dưới đây.

Phật Thích Ca Mâu Ni là ai?

Thích Ca Mâu Ni, còn được biết đến với tên gọi Tất Đạt Đa, là Thái tử của một vương quốc nhỏ nằm dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn ở Ấn Độ thời xa xưa. Ngài được sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ny vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch năm 624 TCN. Sau này, để tưởng nhớ đến Thích Ca Mâu Ni, đại hội Phật giáo đã lựa chọn ngày trăng tròn 15 tháng 4 âm lịch để tổ chức lễ Phật đản.

phật thích ca

 

@thuctinhtamlinhofficial Cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. 🪷 NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT 🙏 #thuctinhtamlinh #ducphatthichca #ducphat #phatthichca #đạophật ♬ nhạc nền – Thức Tỉnh Tâm Linh 🪷

 

  • Tên: Siddhartha Gautama, Shakyamuni, Shakya Gauma.
  • Ngày/nơi sinh của Phật Thích Ca: 15 tháng 4 624 TCN, Lâm-Tỳ-Ni, Nepal.
  • Ngày Phật Thích Ca nhập Niết bàn: Vào lúc 80 tuổi, Ngày Rằm tháng Hai vào năm 544 TCN tại Câu-thi-na.
  • Con: La-hầu-la (Rāhula).
  • Vợ: Da-du-đà-la (Yaśodharā).
  • Cha mẹ: Vua Tịnh Phạn (Śuddhodana), Hoàng hậu Ma-da (Māyādevī)
  • Anh/chị/em ruột: Sundari Nanda, Nanda.
  • Phật Thích Ca: Sáng lập ra Phật giáo.

Lịch sử chi tiết cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Trong phần này, bạn đọc sẽ được tìm hiểu về các sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật, từ khi Ngài còn là Thái tử tại vương quốc Kapilavastu đến khi Ngài đạt đến sự giác ngộ và truyền bá giáo pháp. Ngoài ra, phần này mình cũng cung cấp một cái nhìn sâu sắc về triết lý Phật giáo và các bài giảng quan trọng của Đức Phật, giúp người đọc hiểu rõ hơn về tinh thần và nội dung của giáo pháp Phật giáo.

1. Thái tử Tất Đạt Đa Đản sinh ở đâu và khi nào?

Vào ngày trăng tròn (15 ÂL) tháng 4 năm 624 trước CN, trong một buổi sáng đẹp trời, hoàng hậu Ma Da (Māyā) trên đường về quê hương để sinh con đầu lòng, ghé nghỉ chân tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lum-bi-ni), hoàng hậu thấy hoa Vô Ưu đang nở rộ nên đưa tay phải vịn cành hoa ấy thì liền hạ sinh một hoàng nam. Đó là Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha), họ là Cồ Đàm (Gotama) bộ tộc Thích Ca (Sakya), thuộc dòng dõi Sát Đế Ly (Kshatriya).

sự tích phật thích ca

2. Có bao nhiêu giai cấp trong xã hội Ấn Độ thời Đức Phật ?

Trong xã hội Ấn Độ thời Đức Phật, sự phân chia giai cấp rất nặng nề, khắc nghiệt và vô cùng chặt chẽ. Con người sinh ra đã thuộc một giai cấp phân định rồi thì không thể thay đổi. Có bốn giai cấp chính là:

  • Bà La Môn (Brahma): Là những giáo sĩ, những người giữ quyền thống trị tinh thần, phụ trách về lễ nghi, cúng bái thần linh. Họ tự nhận mình là giai cấp cao thượng nhất vì được sinh ra từ miệng Phạm Thiên (Brahma) nên có quyền được ưu tiên và tôn kính nhất.
  • Sát Đế Ly (Kshatriya): Là hàng Vua chúa quý tộc, tự cho mình được sinh ra từ cánh tay Phạm Thiên, thay mặt cho Phạm Thiên nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng.
  • Vệ Xá (Vaishya): Là hàng thương gia, chủ điền. Họ tin mình được sinh ra từ bắp Phạm Thiên, có nhiệm vụ đảm đương về kinh tế trong nước (mua bán, trồng trọt, thu hoa lợi cho quốc gia).

Ngoài ra, còn có một lớp người ngoài các giai cấp trên, họ là những người sống ngoài lề xã hội, bị các giai cấp trên đối xử như thú vật, cuộc sống tối tăm và đau khổ cùng cực.

3. Thân phụ và thân mẫu của Thái tử Tất Đạt Đa là ai?

Thân phụ của Thái tử Tất Đạt Đa là vua Tịnh Phạn (Suddhodana) trị vì thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Đức vua Tịnh Phạn là người nhân từ, phúc hậu, khiêm tốn và công bằng. Thân mẫu là hoàng hậu Ma Da (Māyā). Hoàng hậu Ma Da là một người xinh đẹp, quý phái và đức hạnh. Sau khi sinh Thái tử bảy ngày, bà đã từ trần và sinh về cung trời Đao Lợi. Sau đó, Đức vua cưới bà Kiều Đàm Di (Mahāpajāpati), em gái của hoàng hậu Ma Da để có người chăm sóc cho Thái tử.

đức phật thích ca

4. Khi Thái tử Tất Đạt Đa Đản sinh, có những điềm lạ gì xảy ra?

Khi Thái tử Tất Đạt Đa Đản sinh có những điềm lạ xảy ra như: Hào quang chiếu sáng rực cả đất trời, vua Đế Thích tự mang Áo Kiều Thi Ca đến dâng Thái tử. Trời mưa hoa thơm, Thiên nữ múa hát, nhạc trời chúc tụng, quả đất rung động, các thứ cây đều sinh trái trổ bông. Dưới mặt đất tự nhiên nứt hai giếng nước, hương khí thơm tho, trên không chín con rồng phun nước…

5. Khi mới vừa Đản sinh, Thái tử làm điều gì đầu tiên?

Thái tử được sinh ra từ hông bên hữu của hoàng hậu, chân đứng vững, mặt hướng về phương Bắc, bước đi bảy bước (Đây là bảy bước đi truyền thống của chư Phật), mỗi bước có mỗi hoa sen nâng gót Ngài. Đến bước thứ bảy, tay chỉ trời, tay chỉ đất và nói rằng: “Trên trời, dưới đất, chỉ có Ta là hơn cả.” (Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn) (Kinh Đại Bản Duyên trong bộ Kinh Trường A Hàm).

6. Thái tử Tất Đạt Đa cưới công chúa Da Du Đà La bằng cách nào?

Da Du Đà La (Yasodhāra) là một Công chúa sắc nước hương trời. Nàng là con gái của vua Thiện Giác (Suppabuddha) trị vì vương quốc Câu Lị (Koliya). Nàng là niềm mong ước của các hoàng tử và vương tử các nước. Để cưới được nàng, chàng trai đó phải trải qua các cuộc tranh tài cả về văn lẫn võ: cưỡi ngựa, bắn cung, đấu kiếm, thi hoạ, đối đáp… Vượt qua tất cả các đối thủ tài giỏi, Thái tử Tất Đạt Đa đã trở thành người chiến thắng, cưới được công chúa trong niềm hân hoan, mãn nguyện của Hoàng tộc và thần dân nước Ca Tỳ La Vệ.

phật thích ca mâu ni

7. Vua Tịnh Phạn đã thực hiện những việc gì để ngăn cản ý chí xuất gia của Thái tử ?

Với bẩm tính thông minh, Thái tử Tất Đạt Đa luôn luôn lộ vẻ trầm tư về cuộc sống theo năm tháng trưởng thành. Nhớ lời tiên đoán của Đạo sĩ A Tư Đà, Vua Tịnh Phạn rất lo lắng, nên đã cho xây cất ba toà lâu đài hợp với ba mùa khí hậu để Thái tử có thể hưởng thụ năm thứ dục lạc: Một cung điện dành cho mùa nóng, một cung điện dành cho mùa lạnh và một cung điện dành cho mùa mưa. Nhưng hạnh phúc trần gian không làm khuây khỏa được ưu tư của người xuất thế, Thái tử vẫn mỗi ngày xích lại gần hơn với quyết định xuất gia. Với ý nghĩ “lấy sợi tóc mỹ nhân trói buộc chỉ xuất trần”, đức Vua vội vàng cưới Công chúa nước láng giềng là Da Du Đà La (Yasodharā), một trang tuyệt sắc cho Thái tử với hy vọng hương sắc tình yêu của nàng sẽ buộc được bước chân của Thái tử.

8. Tại sao Thái tử Tất Đạt Đa quyết chí xuất gia ?

Thái tử được sống trong nhung lụa quyền quý cao sang với sự yêu thương rất mực của vua cha và hoàng tộc. Thế nhưng, Thái tử không cảm thấy vui vẻ, càng ngày Thái tử càng lộ vẻ trầm tư mặc tưởng, tâm tư lúc nào cũng trĩu nặng, xót thương cho nhận loại và chàng cố gắng tìm hiểu ý nghĩa chân thật của đời người.

Một ngày nọ, Thái tử được phép ra khỏi hoàng cung để dạo chơi ở bốn cửa thành. Mặc dù cuộc xuất cung đó được sắp xếp để Thái tử không thể chứng kiến sự thật cuộc sống nhân sinh khốn khổ. Nhưng với tâm tìm hiểu, Thái tử đã được tiếp xúc với những sự thật đau khổ đáng sợ của con người qua ba cửa thành.

đức phật thích ca mâu ni

Ngài chứng kiến: ở cửa Đông, cảnh một người già nua run rẩy; ở cửa Nam, một người bệnh tật đang kiệt sức và ở cửa Tây, một xác chết đang thối rữa. Đó là lần đầu tiên trong đời, Thái tử được chứng kiến những sự thật cuộc đời như thế, làm cho Thái tử càng sầu muộn về cuộc sống giả tạm này hơn.Thái tử nghiệm thấy mình dù là Thái tử con vua, cũng không thể thoát khỏi cảnh già, bệnh và chết. Lần cuối cùng xuất thành dạo chơi tại cửa Bắc, Thái tử gặp một vị tu sĩ đang đi trên đường với dáng dấp khoan thai giải thoát.

Hình ảnh của vị tu sĩ đã giúp Thái tử sớm thấy được con đường thoát khỏi nỗi khổ đau, ràng buộc của cõi đời. Thái tử sớm giác ngộ về tính tạm thời, tầm thường của hạnh phúc vật chất thế gian nên Ngài quyết chí xuất gia, tìm đường giải thoát, cứu độ chúng sinh.

9. Sự từ bỏ Hoàng cung để xuất gia tầm đạo vĩ đại của Thái tử Tất Đạt Đa như thế nào ?

Với lòng nặng trĩu tình thương chúng sinh chìm đắm trong bể khổ, Thái tử càng nung nấu ý chí xuất gia cầu đạo, tìm con đường cứu khổ cho muôn loài. Đêm đó, Thái tử đến trước phòng công chúa Da Du Đà La (Yasodharā) và con trai La Hầu La (Rāhula) đang ngủ thiếp để nhìn vợ con lần cuối. Sau đó, Thái tử một mình ngựa Kiền Trắc (Kanthaka) cùng Xa Nặc (Chanda) vượt khỏi hoàng thành xuất gia tầm đạo. Đó là đêm mùng 8 tháng 2 Âm lịch.

Thái tử đã ra đi xa rời phụ vương, ngai vàng, vợ đẹp, con ngoan, cuộc sống vương giả và hạnh phúc của một vị hoàng tử. Ngài đã từ bỏ cuộc sống đang tuổi thanh xuân, quyền quý, giàu sang tột bậc của mình.

lịch sử đức phật thích ca

Thái tử đã từ bỏ tất cả, cắt tóc xuất gia, trở thành một tu sĩ với chí nguyện tầm cầu đạo giải thoát cho bản thân và cho chúng sinh đang đau khổ trong kiếp luân hồi. Qua thật đó là một sự từ bỏ, sự hy sinh vĩ đại, có một không hai trong lịch sử loài người. Một sự ra đi “vô tiền khoáng hậu” . Năm ấy Thái tử vừa tròn 19 tuổi theo Bắc truyền (29 tuổi theo Nam truyền).

10. Thái tử có vô trách nhiệm khi Ngài rời bỏ phụ mẫu, vợ con của mình để đi xuất gia ?

a. Với phụ mẫu, Ngài là người con chí hiếu. Sau khi tu hành chứng quả, Ngài trở về Hoàng cung thuyết pháp độ Vua cha là Tịnh Phạn Vương chứng quả Tu đà hoàn, trở thành vị Ưu Bà Tắc đầu tiên trong dòng tộc Thích Ca. Khi Phụ vương băng hà, Ngài còn tự thân lau mình, khâm liệm cho Phụ Vương và khiêng quan tài của cha đến nơi hỏa táng sau cùng; Ngài đã bao phen lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ và tiên nữ Māyā đắc quả Dự Lưu.

Khi đã nhập Niết Bàn, Ngài còn bật nắp kim quan để cho mẹ mình chiêm ngưỡng một phần tấm thân do cha mẹ đã tạo ra trong kiếp người lần cuối. Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề là người phụ nữ đầu tiên được chấp nhận vào giáo đoàn, dù Ngài biết trước rằng có những khó khăn phức tạp xảy ra khi chấp nhận nữ giới vào dòng Thánh.

b. Đối với vợ con: Mặc dù trong đời sống thế tục Ngài chỉ thực hiện một nguyện với công chúa Da Du Đà La trong nhiều đời nhiều kiếp. Nhưng Ngài cũng đã làm tròn bổn phận của một người chồng người cha với La Hầu La. Tuy chưa trọn vẹn nhưng âu đó cũng là một đời cuối cùng thể hiện làm kiếp con người, thực hiện lộ trình tiến tu.

Sau khi thành đạo, Ngài đã trở về Hoàng cung thăm Phụ vương, hoá độ hoàng tộc. Trong đó Ngài đã chấp thuận cho Da Du Đà La và Di Mẫu của Ngài là Ma Ha Ba Xà Ba Đề xuất gia tu học và thành lập giáo đoàn Tỳ kheo ni trong hàng ngũ thất chúng đệ tử của Ngài. Còn với La Hầu La, Ngài sẵn sàng để cho con mình tự quyết định cuộc đời và chia gia tài theo ý con thích. Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của La Hầu La thâu nhận vào hàng Thánh Chúng. La Hầu La là vị thiếu niên đầu tiên trở thành Sa Di và sau này là một trong Thập đại đệ tử của Phật.

c. Với Hoàng tộc, Ngài đã là Thái tử xứng đáng văn võ song toàn, xuất chúng. Sau khi tu hành đắc quả, Ngài đã độ nhiều vị trong Hoàng tộc theo bước chân của Ngài xuất gia tu hành đắc đạo.

kể chuyện phật thích ca

d. Với Xã tắc, Ngài đã bao phen ngăn cản nghiệp chưởng chung của dòng họ Thích về thảm họa tiêu diệt, nhưng rốt cuộc phải chịu nghiệp báo vay trả giữa “Lưu Ly Vương và dòng họ Thích”. Ngài đã dạy mọi người bỏ đi cái ân ái, hệ lụy thường tình để đi đến tình thương rộng rãi đại đồng hơn cùng vạn loại. Cần xoá bỏ đi ranh giới hẹp hòi của quốc gia, xã tắc vì nó là mầm mống chiến tranh, xung đột, hãy nghĩ đến cộng đồng nhân loại để xây dựng một xã hội hạnh phúc, an vui. Những quy tắc luân lý được Ngài thiết lập cho nhân loại, những giới luật mà Ngài chế định là nền tảng luân lý cho một xã hội phồn vinh và hạnh phúc.

e. Quả thật đối với hết thảy nhân loại và chúng sinh, Thái tử tu hành thành đạo trở thành một đấng Đạo sư đáng tôn kính. Còn đối với phụ mẫu, vợ con, hoàng tộc và xã tắc, Thái tử là một con người hoàn hảo về giá trị luân lý và đạo đức. Sự xuất gia của Thái tử chẳng những không phải vô trách nhiệm, mà còn là sự ra đi vô tiền khoáng hậu. Điểm này chúng ta thấy Thái tử là một con người hoàn hảo về giá trị luân lý và đạo đức.

11. Trong những năm tìm đạo, Thái tử Tất Đạt Đa đã học đạo với ai?

Trước tiên Ngài đến học đạo với Ka La Ma (Alāra Kālāma), một đạo sĩ đã chứng đắc Vô Sở Hữu Xứ Định. Không bao lâu, Ngài chứng đắc những gì mà Ka La Ma đã chứng đắc. Biết rằng đây không phải là pháp môn đưa đến thắng trí, giác ngộ, giải thoát, Thái tử từ giã Ka La Ma và ra đi.

Sau đó, Ngài đến học đạo với Uất Đầu Lam Phất (Uddaka Rāmaputta), vị đạo sĩ đã chứng đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định. Chỉ trong một thời gian ngắn, Thái tử chứng đắc những gì mà Uất Đầu Lam Phất đã chứng đắc, nhưng rồi Ngài nhận ra rằng đây vẫn còn ở trong vòng sinh tử, không phải là cứu cánh giải thoát. Thái tử lại ra đi và lần này chẳng còn ai để Ngài có thể theo học đạo nữa.

12. Trong những năm tu khổ hạnh, Ngài đã tu như thế nào ?

Sau khi rời bỏ các vị thầy mà mình từng theo học, Thái tử ra nhập vào nhóm năm người tu khổ hạnh và hành trì những lối sống khắc nghiệt nhất trong sáu năm. Lúc đó, Ngài nghĩ rằng chỉ có con đường này mới có thể chứng ngộ chân lý!

tiểu sử phật thích ca

Vì thế, Ngài đã trải qua tất cả các phương pháp tu tập khổ hạnh, ép xác…đến nỗi có lúc đã nguy hiểm đến cả tính mạng! Cụ thể một số phương pháp tu khổ hạnh như sau:

Hành thiền nín thở là phương pháp khổ luyện căng thẳng đến mức Ngài chỉ nghe tiếng gào thét cùng những cơn đau nhức khủng khiếp trong đầu, những cơn co thắt dạ dày và cảm giác nóng bỏng đốt cháy toàn thân…mỗi ngày, Ngài chỉ ăn chừng một nắm tay thức ăn và có lúc lại hạn chế ăn uống tối đa là chỉ ăn một lần trong bảy ngày.

Vào mùa lạnh Ngài chỉ mặc áo quần rách nát được may lại từ những tấm vải quấn tử thi, hoặc da khô của súc vật, hay rơm rạ, cỏ khô hoặc thậm trí từ vỏ cây. Ngài không ngồi, mà chỉ đứng, hoặc ngồi chồm hổm trên gót chân. Nếu cần nằm thì chỉ nằm trên gai nhọn, không cần tắm rửa, cứ để mặc cho lớp đất bụi bám dày lên rồi tự bung ra.

Ngài mô tả: “Vì ta ăn quá ít mỗi ngày, nên cơ thể ta trở nên hết sức gầy yếu. Tay chân ta như các lóng tre khô đầy khúc khuỷu. Hai bàn tọa của ta trở thành giống như móng trâu, xương sống với cột tủy lồi ra trông giống chuỗi hạt. Xương sườn ta lộ rõ như rui cột của ngôi nhà đổ nát. Đồng tử của ta nằm sâu trong hổ mắt thăm thẳm long lanh giống như ảnh nước long lanh từ dưới giếng sâu. Da đầu ta khô héo nhăn nheo như trái mướp đắng được cắt đem phơi nắng khô héo nhăn nheo. Nếu ta muốn sờ da bụng thì ta đụng nhầm xương sống và hai thứ đã dính sát vào nhau” (trích Kinh Đại Khổ Uẩn, Trung Bộ Kinh).

Những cảm thọ đau đớn, khốc liệt, khủng khiếp, Ngài đã trải qua mà chưa từng có vị tu khổ hạnh nào có thể trải qua được như vậy. Tuy Ngài đã chịu đựng quá nhiều khổ đau, nhưng Ngài vẫn không đạt được cứu cánh giải thoát.

13. Tại sao năm người bạn đồng tu từ bỏ Ngài mà ra đi?

Sau những năm tháng dài tinh cần thực hiện tất cả những pháp tu khổ hạnh ép xác, cơ thể ngày càng gầy mòn kiệt quệ mà vẫn không tỏ ngộ được đạo giải thoát, Thái tử đã phải từ bỏ phép tu này. Từ bỏ rừng tu khổ hạnh, Thái tử đi về phía dòng sông Ni Liên Thiền để tắm rửa, tẩy trừ sạch hết những lớp bụi bặm của sáu năm tu hành khổ hạnh. Mặc dù được tắm mát, nhưng do thân thể gầy mòn từ lối tu khổ hạnh, Thái tử vẫn mệt lả, khi đến bờ bên kia và đã ngất xỉu vì mệt.

cuộc đời đức phật thích ca mâu ni

Nàng thôn nữ Su Gia Ta (Sujata), mỗi ngày đều thức dậy từ sáng sớm để nấu món cháo sữa truyền thống dâng cúng cho những bậc Hiền triết và Khất sĩ tu hành trong rừng. Nhìn thấy Sa môn Cồ Đàm héo mòn lả đi ở gốc cây bên bờ sông, nàng liền cung kính cúng dường bát cháo sữa đầy dinh dưỡng mà mình vừa làm ra. Ngài nhận bát cháo sữa và thọ dụng.

Năm người bạn đồng tu đi tìm Ngài và nhìn thấy cảnh ấy, họ buồn bã, thất vọng và khinh thường và Ngài vốn luôn là gương mẫu cho họ về về việc tu khổ hạnh. Cho rằng Ngài đã thối chí, quay cuộc sống dụng lạc, họ đã rời bỏ Ngài và tìm đến vườn Lộc Uyển (Sarnath) để tiếp tục tu khổ hạnh.

14. Quá trình chứng ngộ đạo quả Bồ Đề của Ngài như thế nào?

Ngày 8 tháng 12 Âm lịch, sau bốn mươi chín ngày đêm thiền quán dưới cội Bồ đề, trong đêm cuối cùng, Ngài đã chứng ngộ đạo quả Bồ đề – Vô Thượng Chính đẳng Chính giác. Sự chứng ngộ ấy được diễn ra trình tự như sau:

  • Canh một: Ngài chứng được Túc mạng minh, đó là khả năng biết được nhiều đời của mình một cách rành mạch, rõ ràng.
  • Canh hai: Ngài chứng được Thiên nhãn minh (cũng gọi là sinh tử trí), đó là khả năng biết được nhiều đời của tất cả mọi người một cách rành mạch, rõ ràng.
  • Canh ba khi sao mai vừa mọc: Ngài chứng Lậu tận minh, đoạn được tất cả lậu hoặc, phiền não và trở thành bậc giải thoát. Ngài chứng đắc quả vị Vô thượng Chính đẳng Chính giác trở thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Trong Kinh Đại Saccaka, Trung Bộ Kinh, Ngài đã bày tỏ niềm hoan hỷ: “Giải thoát đạt vẹn toàn”, “Sinh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”.

Ngài đã chứng đắc Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát và thành Phật, bậc Viên giác, bậc Thắng giả, Người đã mở ra cánh cửa bất tử cho tất cả chúng sinh, đó là Niết Bàn. Lúc ấy Ngài vừa tròn 30 tuổi (Theo Nam truyền là 35 tuổi).

15. Sau khi thành đạo, tại sao Đức Phật Thích Ca quyết định chuyển pháp luân?

Sau khi thành đạo, Đức Phật trầm tư: Giáo lý giải thoát Ngài vừa chứng ngộ vô cùng tế nhị, thấm sâu, ly dục, vô ngã đi ngược với tập quán ham muốn và suy tư chấp ngã của con người, con người làm sao có thể chấp nhận được giáo lý ấy? Ngài nhận thấy, chúng sinh khó có thể chấp nhận được giáo pháp ấy, việc hóa độ chúng sinh là một điều vô cùng khó khăn gian khổ. Trong khi Đức Phật suy nghĩ như vậy, tâm Ngài không hướng đến thuyết pháp. Lúc đó, Đại Phạm Thiên (Sahampati) xuất hiện thỉnh cầu Thế Tôn chuyển bánh xe Pháp vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài Người. Trước lời thỉnh cầu thiết tha và thành khẩn của Đại Phạm Thiên, Đức Thế Tôn đã hứa khả và quyết định chuyển Pháp luân hoá độ chúng sinh.

tóm tắt lịch sử đức phật thích ca

Ngài nhìn xuống hồ sen trước mặt, gợi lên trong Ngài hình ảnh căn cơ bất đồng của chúng sinh: Có những căn cơ thấp như những cánh sen ở dưới đáy hồ, những căn cơ trung bình như những cánh sen ở lưng chừng nước, cũng có những căn cơ cao có thể tiếp nhận giáo lý giải thoát của Ngài như những cánh sen đã nhô lên khỏi mặt nước có thể tiếp thu ánh sáng mặt trời, như vậy sẽ tuỳ căn cơ mà hoá độ chúng sinh. Đức Thế Tôn liền quyết định lên đường chuyển vận bánh xe Pháp giáo hóa chúng sinh.

16. Bài pháp đầu tiên mà Đức Phật đã thuyết giảng cho năm anh em Kiều Trần Như là gì?

Sau khi quyết định chuyển Pháp luân, Đức Phật dùng Tuệ nhãn quan sát ai sẽ là người có cơ duyên được độ đầu tiên. Ngài nghĩ đến hai vị Thầy cũ là Ngài Ka La Ma và Ngài Uất Đầu Lam Phất nhưng hai người đã thác sinh lên cõi trời. Tiếp đến Ngài quan sát và biết năm anh em A Nhã Kiều Trần Như cùng tu khổ hạnh năm xưa đang trú ở vườn Lộc Uyển (Sarnath), gần thành Ba La Nại (Benares) đang có đủ nhân duyên để được nghe bài Pháp đầu tiên của Ngài.

Biết được tin người bạn tu năm xưa đang trên đường trở lại thăm khu vườn Lộc Uyển, nhớ chuyện cũ, nên cả năm anh em ngài A Nhã Kiều Trần Như có ý định là sẽ không gặp mặt chào hỏi, đón tiếp người bạn này nữa. Nhưng khi Đức Thế Tôn xuất hiện với ánh hào rực rỡ, phong thái uy nghiêm, tự tại và giải thoát thì cả năm anh em, không ai bảo ai, họ cùng phủ phục xuống đất và đảnh lễ Ngài, họ nhận ra rằng Ngài đã Giác ngộ Sau đó, Đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên cho họ, đó là bài Kinh Chuyển Pháp Luân, trong đó Ngài đã tuyên thuyết về con đường Trung đạo và giáo lý Tứ Diệu Đế.

17. Đệ tử xuất gia đầu tiên của Phật Thích Ca là ai ?

Sau khi nghe xong Kinh Chuyển Pháp Luân, năm vị này phát tâm xuất gia làm đệ tử của Đức Phật. Ngài chấp thuận và họ đã trở thành những vị Tỳ – kheo đầu tiên của giáo đoàn. Đức Phật là Phật bảo, Kinh Chuyển Pháp Luân – Tứ Diệu Đế là Pháp bảo, năm anh em A Nhã Kiều Trần Như là Tăng bảo, ngôi Tam Bảo đã hiện hữu tại thế gian từ đó.

cuộc đời của đức phật thích ca mâu ni

18. Đức Phật hóa độ vua Tần Bà Sa La như thế nào ?

Nhớ lại lời ước hẹn của mình với vua Tần-Bà Sa La (Bimbisāra) của nước Ma Kiệt Đà (Magadha) khi mới xuất gia, Đức Phật trở lại thành Vương Xá (Rājagaha) để hoá độ cho nhà vua. Trong đoàn có cả ba anh em Ngài Ca Diếp (Kassapa), trước khi trở thành đệ tử của Phật, Trưởng lão Đại Ca Diếp là một Đạo sư danh tiếng thời bấy giờ được mọi người biết đến và vô cùng kính trọng. Vua đem theo rất đông quần thần đi đón Đức Phật. Lúc ấy phần đông dân chúng tôn kính Đức Phật và Đại đức Ca Diếp như nhau, không biết ai là Thầy. Đức Phật đọc được tư tưởng của họ nên Ngài hỏi Tôn giả Ca Diếp tại sao không thờ thần lửa nữa. Ngài Đại Ca Diếp hiểu ý Đức Phật, giải thích lý do tại sao Ngài không thờ Thần lửa. Nói xong, Ngài khấu đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật và xác nhận Đức Phật là Đạo sư của Ngài. Điều này đã gây nhiều ấn tượng mạnh đối với nhà vua và quần thần.

lược sử đức phật thích ca

Đức Phật nhân cơ hội này, Ngài đã thuyết một bài pháp về Túc Sanh truyện, trong tiền kiếp Ngài cũng đã dìu dắt Đại đức Ca Diếp một cách tương tự. Nghe Đức Phật thuyết pháp, ánh sáng chân lý rọi đến mọi người, Vua đắc quả Tu – đà – hoàn và xin quy y Tam Bảo. Vua Tần Bà Sa La là một Đại vương được kính trọng của một vương quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ, đã trở thành cư sĩ đệ tử đầu tiên của Phật. Đây là một bước ngoặt lớn vì sau đó nhiều vua chúa, quần thần các nước và dân chúng mọi tầng lớp lần lượt quy y với Đức Phật.

19. Ngôi tịnh xá đầu tiên tên là gì và được ai dâng cúng ?

Sau khi quy y Tam Bảo, vua Tần Bà Sa La (Bimbisāra) thỉnh Đức Phật và giáo đoàn thọ trai tại hoàng cung và ngày hôm sau. Khi mọi người độ ngọ đức Vua tỏ ý muốn biết nơi nào thích hợp để Đức Phật ngự, Đức Phật trả lời:

“Một nơi hẻo lánh, không xa mà cũng không gần thành thị để những ai muốn có thể đến dễ dàng, một nơi mát mẻ, ban ngày không đông đảo ồn ào, ban đêm yên tịnh, thông thoáng và kín đáo, nơi ấy sẽ thích hợp”.

Đức Vua nghĩ rằng khu Trúc Lâm của mình có thể hội đủ những yếu tố cần thiết ấy nên bạch với Đức Phật xin dâng lên Ngài và chư Tăng khuôn viên Trúc Lâm lý tưởng, cũng gọi là “Nơi trú ẩn của loài sóc”. Tại đây giáo đoàn đã xây cất một tu viện gọi là Trúc Lâm Tịnh Xá. Đây là ngôi tịnh xá đầu tiên thời Đức Phật.

20. Tịnh xá Kỳ Viên ở thành Xá Vệ được dâng cúng như thế nào?

Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapindika), người ở thành Xá Vệ (Savatthi) nước Kiều Tát La (Kosala), có tâm bố thí rộng lượng cho người già cả cô độc nghèo khổ. Ông đến thành Vương Xá đê lo công việc kinh doanh với người em vợ. Ông rất kinh ngạc khi nhìn thấy mọi sự chuẩn bị long trọng linh đình trong nhà em vợ để cúng dường Đức Phật và Tăng chúng ngày hôm sau. Lòng đầy hiếu kỳ về người mang danh hiệu được tôn vinh là một Đức Phật, trong đêm khuya ông dậy sớm và đi đến gặp Phật. Sau khi nghe Pháp, ông Cấp Đô Độc đắc quả Tu-Đà-Hoàn và cung thỉnh Đức Phật nhập hạ tại thành Xá Vệ. Đức Phật chấp thuận, trưởng giả Cấp Đô Độc trở về thành Xá Vệ mua một thửa đất của Thái tử Kỳ Đà (Jeta), là con của Đại vương Ba Tư Nặc (Pasenadi), nước Kiều Tất La (Kosala).

lịch sử đức phật thích ca mâu ni

Tuy nhiên, Thái tử Kỳ Đà không muốn nhượng bớt tài sản nên nói thách nếu ống trải vàng tới đâu thì bán đất cho ông đến đó. Không ngờ, Cấp Cổ Độc đem vàng đến trải thật nhưng còn cây trong vườn thì không thể trải vàng lên được. Nhận đó Thái tử Kỳ Đà cũng phát tâm xin cúng dường phần đất còn lại và cây trong vườn cho Đức Phật, nên có tên gọi là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên. Trên đất ấy trưởng giả Cấp Cô Độc kiến tạo ngôi Kỳ Viên Tịnh xá (Jetavana).

21. Địa phương nào Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã an cư nhiều lần nhất?

Đức Phật đã trải qua hơn hai mươi mùa an cư kiết hạ tại thành Xá Vệ (Savatthi), nước Kiều Tát La (Kosala). Nơi ấy có hai ngôi tịnh xá lớn là Kỳ Viên (Jetavana) và Đông Lâm (Pubbarama). Cho nên, thành Xá Vệ là nơi được Đức Thế Tôn lưu trú nhiều nhất. Phần lớn Kinh điển thuộc Nam truyền và Bắc truyền được Đức Phật thuyết tại đây. Trong đó, các điều giới luật cũng được Phật chế ra ở nơi đây.

22. Sau khi thành đạo, Đức Phật về Hoàng cung, hoá độ thân quyến như thế nào?

Vua Tịnh Phạn bây giờ đã già yếu, nghe tin Đức Phật thành đạo và đang thuyết pháp ở thành Vương Xá, vua rất nóng lòng được gặp lại con mình. Vua liền phái sứ giả đến Vương Xá, thỉnh cầu Đức Phật trở về thăm cố đô và hoàng tộc. Nhưng các sứ giả của Vua đến Vương Xá nghe Phật thuyết pháp, họ đều xin xuất gia làm Tỳ kheo và chứng quả A La Hán.

lịch sử cuộc đời đức phật thích ca

Vị sứ giả thứ mười là Ca Lưu Đà Di (Kāludāyi), là người bạn thân cũ của Đức Phật lúc Ngài còn là Thái tử. Ông này đến Vương xá, nghe Phật nói pháp, cũng xin xuất gia và không bao lâu chứng quả A La Hán. Như chín vị sứ giả trước nhưng Ca Lưu Đà Di không quên chuyển tới Đức Phật lời Phụ vương mời Đức Phật về thăm hoàng tộc. Đức Phật nhận lời lên đường cùng với rất đông đệ tử.

Tại quê hương, Ngài đã khéo léo hoá độ tất cả hoàng tộc kê cả vua cha Tịnh Phạn, di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahāpajāpāti), công chúa Da Du Đà La (Yasodhāra), La Hầu La (Rāhula) và các hoàng thân quốc thích, quan lại, tướng sĩ…Phần lớn mọi người ở kinh thành Ca Tỳ La Vệ từ hoàng tộc, quan lại, tướng sĩ đến dân thường đều được cảm hoá bởi đức độ, nhân cách và trí tuệ tuyệt vời của Đức Phật.

Trong chuyến hồi hương đầu tiên này có sáu vị hoàng tử, vương tử của dòng họ Thích Ca đã xuất gia. Đó là: A Na Luật (Anuruddha), A Nan (Ānanda), Bạt Để (Bhaddiya), Bạt Cù (Bhagu), Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), và Bạc Câu La (Kimbila).

23. Lần sau cùng, Đức Phật Thích Ca về lại quê hương khi nào ?

Nghe tin vua cha đang bệnh nặng khó có thể qua khỏi, Đức Phật đã trở về quê hương lần thứ hai, cũng là lần sau cuối để thăm bệnh và tiếp tục khai thị cho vua cha. Lúc ấy, vua Tịnh Phạn đã già yếu lắm, thân thể suy kiệt, mệt mỏi rã rời. Với tấm lòng của người con chí hiếu, Đức Phật đã tự tay tắm rửa và lau mình cho vua cha, mặc y phục chỉnh tề và đỡ vua cha nằm trên giường nghỉ ngơi.

đức phật thích ca mâu ni là ai

Trên giường bệnh, vua Tịnh Phạn lại được Đức Phật thăm hỏi và đã giảng bài pháp để khai thị cho đức vua Chân lý Vô thường: Là sự kết hợp rồi lại tan rã của tứ đại. Sau khi nghe xong bài pháp, nhà vua liền đắc quả Tu Đà Hoàn. Vua mỉm cười mãn nguyện, nhìn Đức Phật và mọi người thân tín lần chót rồi băng hà trong trạng thái an nhiên, định tĩnh. Năm Vua hưởng thọ 90 tuổi. Chính Đức Phật cùng với quý vị Đại đức, Vương tử, Vương tôn khiêng kim quan đức vua từ hoàng cung đi đến nơi trà tỳ, Đức Phật đích thân làm lễ an táng cho vua cha với nghi lễ của một đế vương.

24. Phật Thích Ca tuyên bố từ bỏ thọ mạng ở nơi nào ?

Tại điện thờ Cāpāna ở thành Tỳ Xá Ly (Vesāli), trong giờ nghỉ trưa, Đức Phật đã chấp nhận lời thỉnh cầu của Ma vương (Mara), Ngài đã tuyên bố từ bỏ thọ mạng, không duy trì mạng sống. Đức Phật nói: “Này Ác ma hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay” (Trích Kinh Đại Niết bàn, Trường Bộ Kinh). Khi Thế Tôn từ bỏ, không duy trì mạng sống thêm nữa, thời đại địa chấn động, ghê rợn, tóc lông dựng ngược, sấm trời vang dậy.

25. Bữa cơm cuối cùng của Đức Phật do ai dâng cúng ?

Ngài đã thọ nhận bữa cơm cuối cùng do người thợ rèn tên là Thuần Đà (Cunda) cúng dường trong vườn xoài ở Pāvā. Trong bữa ăn này, ngoài món ăn thượng vị còn có thứ mộc nhĩ.

vợ của phật thích ca mâu ni

Đức Phật nói về thức ăn: “Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại. Ngươi hãy đem chôn vào một lỗ. Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm Thiên giới, không một người nào trong chúng Sa môn và Bà la môn, giữa những Thiên, nhân ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hoá được, trừ Như Lai”.

Với tâm đại bi, Ngài đánh tan tâm hối hận cho Thuần Đà: “Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Thế nào là hai? Một là bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô thượng Chính đẳng Chính giác, hai là bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết bàn giới, không còn di hưởng sinh tử”. (Trích Kinh Đại Niết Bàn, Trường Bộ Kinh).

26. Hai đệ tử thân tín nhất của Đức Phật là ai ?

Trong đời giáo hóa, Đức Phật có được sự hộ trì đắc lực của hai đệ tử thân tín tài giỏi như tay phải và tay trái của Ngài. Đó là Tôn giả Xá Lợi Phất (Sāriputta) và Tôn giả Mục Kiền Liên (Moggallāna). Hai tôn giả này là bạn thân với nhau trước lúc theo Phật cho đến cuối đời.

Trước khi trở thành đệ tử của Đức Phật, Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai vị đạo sư Bà La Môn nổi tiếng và tài giỏi. Với biệt tài riêng của mình hai vị đã trở thành hai đệ tử thân tín nhất của Đức Phật và đã gánh vác trọng trách thay mặt Đức Phật để quản lý Tăng đoàn và làm nhiều Phật sự trọng đại.

đức phật thích ca sinh ra ở đâu

Tôn giả Mục Kiền Liên được tôn xưng là thần thông đệ nhất, đã tạo nên duyên khởi để Đức Phật thuyết Kinh Vu Lan và Báo Hiếu. Ngài đã trả nghiệp và viên tịch trong tai nạn hãm hại của ngoại đạo.

Tôn giả Xá Lợi Phất được tôn xưng là Trí tuệ đệ nhất, Ngài đã về lại quê hương và hoá độ mẫu thân trước khi viên tịch.

Kiếp hiện tại cũng như trong nhiều kiếp về trước, hai Tôn giả này cũng là đệ tử đắc lực của Đức Phật và cũng đã viên tịch trước Đức Phật.

27. Vị đệ tử xuất gia cuối cùng của Đức Phật là ai ?

Trong đêm cuối cùng, tại rừng Sa La song thọ của dòng họ Mạc La (Malla), Đức Phật đã chấp thuận sự xuất gia của du sĩ ngoại đạo 84 tuổi tên là Tu Bạt Đà La (Subhadda). Tu Bạt Đà La là vị đệ tử cuối cùng trong cuộc đời hoằng hoá của Đức Phật. Với sự không phóng dật, tinh tấn, sống nhiệt tâm, cần mẫn và không bao lâu Tôn giả chứng đắc quả vị A – La – Hán sau khi thọ giới.

phật thích ca ra đời năm nào

28. Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn tại nơi nào ?

Sau khi thọ trai do cư sĩ Thuần Đà cúng dường, Đức Phật đã bị bệnh kiết lỵ nặng nhưng tinh thần vẫn bình thản và quyết định đi về Câu Thi La. Tại rừng Sa La Song Thọ của dòng họ Mạc La (Malla), thành Câu Thị La (Kusinārā), Ngài nằm xuống võng giữa hai cây Ta La, đầu trở về hướng bắc, mình nghiêng về phía tay phải, mặt xây về phía mặt trời lặn, hai chân chéo nhau. Tại đây, Ngài đã an nhiên nhập Niết Bàn trong sự thương tiếc của bốn chúng đệ tử, Phạm Thiên, Chư Thiên…vào năm 544 trước tây lịch. Lúc đó, Đức Phật thọ 80 tuổi.

29. Sau khi trà tỳ, Xá lợi của Đức Phật được phân chia như thế nào ?

Theo Kinh Đại Niết Bàn thuộc Trường Bộ Kinh, sau khi trà tỳ, Xá Lợi của Đức Phật được phân chia thành tám phần cho tám nơi khác nhau để phụng thờ. Đó là:

  1. Vua A Xà Thế nước Ma Kiệt Đà.
  2. Dòng họ Licchavi ở Tỳ Xá Ly (Dòng Sát Đế Lợi)
  3. Dòng họ Thích Ca ở Ca Tỳ La Vệ.
  4. Dòng người Puli ở Allakappa (Dòng Sát Đế Lợi)
  5. Những người Koli ở Rāmagāma (Dòng Sát Đế Lợi).
  6. Những người Malla ở Câu Thi Na.
  7. Những người Mallā ở Pāvā.
  8. Bà La Môn Vethadipaka ở tại Vethadipa.

Có thêm hai tháp nữa để thờ chiếc bình dùng đồng chia Xá Lợi và tro còn lại sau khi chia.

  • Bà La Môn Dona cũng xây dựng tháp thờ bình (dùng để đong chia Xá lợi).
  • Những người Moriyà ở Pipphalivana cũng xây dựng tháp trên những than tro.

30. Lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước lúc nhập Niết Bàn là gì?

Sau khi căn dặn mọi điều, giải đáp mọi nghi vấn cho chúng đệ tử, Đức Phật còn có lời khuyến giáo khích lệ lần cuối với Tăng đoàn:

Này các Tỳ-kheo, nay Ta khuyên các ngươi: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật”. (Trích Kinh Đại Niết Bàn, Trường Bộ Kinh III).

ý nghĩa phật thích ca

Sự tích hay Lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni?

Cuộc đời của Đức Phật, được ghi lại trong các tài liệu lịch sử như Pali Canon và các kinh sách Phật giáo khác, là một chủ đề của sự nghiên cứu và phân tích lịch sử, chứ không phải chỉ là truyền thuyết hay huyền thoại. Vì vậy, thích hợp sử dụng thuật ngữ ‘lịch sử của Đức Phật’ hay ‘cuộc đời của Đức Phật’ để chỉ toàn bộ kiến thức liên quan đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thay vì sử dụng thuật ngữ ‘sự tích’ hay ‘truyền thuyết’ về Đức Phật.

Bằng cách sử dụng thuật ngữ ‘lịch sử’, chúng ta thể hiện được sự nghiên cứu và phân tích chặt chẽ, công phu và sự khách quan trong việc hiểu rõ cuộc đời và giáo pháp của Đức Phật, và đồng thời phân biệt được kiến thức này với những miêu tả tưởng tượng hoặc khác thường hơn về cuộc đời của Đức Phật.”

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thật hay không?

Nếu sau khi đọc những chia sẻ trên đây về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bạn vẫn còn hoài nghi về sự thật lịch sử của Ngài, hãy xác tín rằng: Đức Phật Thích Ca là một nhân vật có thật, một con người bằng xương bằng thịt như chúng ta – chứ không phải một vị thần linh như nhiều người vẫn lầm tưởng.

đức phật thích ca đã xuất hiện như thế nào

Ngài là vị Phật đầu tiên xuất hiện trong lịch sử, tên thật là Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm, người kế vị ngai vàng vương quốc Thích Ca ở vùng đất Ấn Độ ngày nay. Ngài ra đời năm 624 TCN, sau khi nhận thức sâu sắc về sự thật “sinh, lão, bệnh, tử” cũng như sự thanh thản của cuộc sống xuất gia, Ngài đã quyết tâm lên đường tìm đạo. Sau khi vượt qua mọi khó khăn thử thách, Ngài đã đạt đạo quả, trở thành vị Phật đầu tiên và đặt nền móng cho Phật giáo.

cẩm nang phật pháp

Nội dung được tham khảo từ “Cẩm nang Phật pháp”

Bài viết trên đây là một tóm tắt về tiểu sử cuộc đời vĩ đại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Những thông tin được mình trích dẫn từ cuốn “Cẩm nang Phật pháp” –  một tác phẩm uy tín của Ban Hoằng Pháp thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Nếu những thông tin về cuộc đời và đạo Pháp của Ngài mang lại cho bạn sự truyền cảm hứng, hãy chia sẻ rộng rãi để nhiều người cùng được biết. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn thành công trên con đường tìm hiểu và thực hành đạo Pháp.

Hải Vi Seo là một nhà sáng tạo nội dung số và hiện đang làm biên tập viên tại SEO Tâm Linh. Với lĩnh vực chuyên môn nghiên cứu Phật học và tâm linh, tôi đã từng tham gia khóa học tại Học viện Phật giáo Việt Nam. Sở thích của tôi là khám phá các ngôi đền, chùa và chia sẻ bằng kinh nghiệm của mình để mang đến cho người đọc những bài viết hay và uy tín nhất.

Viết một bình luận